Video Clip

The player will show in this paragraph

   
liên minh hợp tác xã tp.hcm
Đẩy mạnh truyền thông về HTX kiểu mới để lan tỏa hiệu quả

Hiện có khoảng 55% HTX nông nghiệp đang hoạt động hiệu quả, điều này đã làm gia tăng thu nhập cho thành viên lên 20%/năm. Còn trong 50 mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao đã giúp gia tăng thu nhập cho thành viên lên 35%/năm. Đây chính là hiệu quả của kinh tế tập thể kiểu mới, khác với mô hình kiểu cũ.

 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: VGP/Thành Chung

Ngày 20/7 tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hợp tác xã (KTTT, HTX) trong lĩnh vực nông nghiệp.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới phát triển KTTT, HTX tham dự, chỉ đạo tại hội nghị.

Cùng tham dự còn có Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo của các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Hiện nay cả nước có khoảng 23.000 HTX, trong đó số lượng HTX nông nghiệp chiếm hơn 60%, do vậy, hội nghị có ý nghĩa quan trọng, hướng tới tổng kết toàn quốc thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về phát triển KTTT nói chung trong thời gian tới.

HTX nông nghiệp có bước phát triển mạnh mẽ…

Ông Nguyễn Văn Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết sau 15 năm triển khai Nghị quyết của Trung ương, các Chỉ thị của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ, kinh tế hợp tác và HTX có sự phát triển mạnh mẽ, ấn tượng. Tính đến hết ngày 30/6/2019, cả nước đã có 14.502 HTX nông nghiệp, trong đó có tới 55% hoạt động hiệu quả (trước 2015 chỉ có khoảng 15% tổng số HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả).

Các HTX không chỉ giảm chi phí sản xuất của các hộ gia đình thành viên mà còn làm tăng thêm giá trị thu nhập 14%/năm. Các địa phương cũng đã xử lý dứt điểm những HTX hoạt động yếu kém. Theo đó, đã giải thể được 3.600 đơn vị, chỉ còn khoảng 600 HTX yếu kém đang đợi giải thể hoặc cải tổ trong thời gian tới.

Điều đáng ghi nhận theo ông Thịnh là tốc độ phát triển HTX tăng mạnh qua từng năm. Nếu từ năm 2002 trở về trước, mỗi năm cả nước chỉ thành lập mới được 200 - 300 HTX thì con số này từ năm 2017 trở lại đây là 2.000 HTX/năm. Nếu như năm 2003, doanh thu bình quân của HTX chỉ đạt 461 triệu đồng/năm thì con số này năm 2018 là 1,61 tỷ đồng.

Tiềm năng, nội lực của HTX được nâng lên, đặc biệt là trình độ quản lý, khoa học công nghệ, sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn. Nhiều HTX đã thu hút được cán bộ chuyên môn, cán bộ trẻ đã qua đào tạo về làm việc và đảm nhận được vai trò kết nối giữa hộ thành viên với doanh nghiệp.

Nhiều mô hình mới, đa dạng, có liên kết với doanh nghiệp để tạo chuỗi giá trị, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đó là những mô hình như HTX chuyên ngành (cây, con) dẫn dắt, hỗ trợ kinh tế hộ thành viên phát triển sản xuất, tham gia chuỗi giá trị đáp ứng yêu cầu thị trường; mô hình HTX đảm nhiệm nhiều khâu trong chuỗi giá trị; mô hình tích tụ, tập trung đất đai thông qua HTX để ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho thu nhập cao; mô hình doanh nghiệp trong cùng chuỗi là thành viên HTX...

Các cá nhân, tập thể được biểu dương tại hội nghị. Ảnh: VGP/Thành Chung

… nhưng vẫn chưa xứng với tiềm năng

Đánh giá cao các kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng, KTTT, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp mặc dù đã có sự cải thiện về lượng và chất nhưng chưa đồng đều giữa các lĩnh vực, vùng miền, chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất hàng hóa lớn và thị trường. Chính sách hỗ trợ HTX ban hành nhiều nhưng thiếu nguồn lực để thực hiện. Rất ít các HTX tiếp cận được các chính sách về hỗ trợ tín dụng, đất đai, hạ tầng sản xuất. Năng lực nội tại của nhiều HTX còn yếu kém, thiếu nguồn lực cho đầu tư sản xuất kinh doanh….

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống đánh giá KTTT trong nông nghiệp, HTX phát triển chưa tương xứng tiềm năng. Phần lớn HTX nông nghiệp quy mô sản xuất nhỏ, chưa tiếp cận thị trường, khó vay vốn trung hạn và dài hạn. Nhiều HTX vẫn trong tình trạng "bình mới, rượu cũ"; mô hình HTX cũ còn nặng nề trong khi HTX kiểu mới chưa đáp ứng yêu cầu….

Nguyên nhân do nhận thức về vai trò, giá trị và bản chất của mô hình HTX kiểu mới một số nơi còn chưa thống nhất, dẫn đến công tác quản lý, ban hành cơ chế, chính sách, tư vấn, hỗ trợ… chưa trọng tâm, chưa đúng, chưa đi vào cuộc sống của các HTX và người dân. Ngoài ra, do tâm lý mặc cảm về mô hình HTX thời bao cấp còn nặng nề, trong khi số lượng HTX, liên hiệp HTX hoạt động hiệu quả, mang lại lợi ích cho thành viên, cộng đồng chưa nhiều.

Chính sách hỗ trợ rất nhiều, nhưng chưa đi vào cuộc sống

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh kết quả triển khai Nghị quyết 13-NQ/TW trong ngành nông nghiệp là khá rõ và toàn diện từ việc chuyển đổi nhận thức về vai trò, vị trí và tính cấp thiết phát triển HTX trong nông nghiệp đến những vấn đề đặc thù của KTTT, HTX trong nông nghiệp. 

“Ở nhiều địa phương, HTX đóng vai trò quan trọng trong việc giúp nông dân phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn phục vụ chế biến, xuất khẩu, có dịch vụ hỗ trợ nông dân thích ứng với điều kiện canh tác, nuôi trồng. Kết quả thể hiện ra là hiệu quả của HTX không chỉ gia tăng số liệu về thành viên, doanh thu, lợi nhuận mà nhiều HTX đã giúp gia tăng thu nhập cho các thành viên. 55% HTX hoạt động hiệu quả đã gia tăng thu nhập cho thành viên lên 20%. Còn trong 50 mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao đã giúp gia tăng thu nhập cho thành viên lên 35%/năm. Đó chính là hiệu quả cuối cùng của KTTT kiểu mới, khác với mô hình kiểu cũ”, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

Phó Thủ tướng nêu rõ bên cạnh những kết quả đạt được, trên thực tế, KTTT, HTX vẫn phát triển chưa tương xứng tiềm năng nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. 

Theo đó, quá trình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết còn chậm, ở nhiều thời gian, thời điểm chưa quyết liệt. Công tác quản lý nhà nước còn chồng chéo. Số cán bộ quản lý HTX nông nghiệp đã qua đào tạo trình độ trung cấp trở lên chiếm tỷ lệ thấp (khoảng 46%). Số lượng HTX đã phát triển về lượng và chất nhưng chưa đồng đều và mới tập trung chủ yếu là cung cấp dịch vụ đầu vào. 

Bên cạnh đó, năng lực nội tại của nhiều HTX còn yếu, thiếu nguồn lực cho đầu tư sản xuất kinh doanh; ở nhiều địa phương, công tác quản lý nhà nước đối với HTX NN còn chồng chéo; thiếu nguồn lực, chính sách hỗ trợ HTX...

Trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh vai trò quan trọng của các HTX nông nghiệp kiểu mới trong tổ chức, hỗ trợ nông dân và thành viên gia tăng giá trị sản xuất, kinh doanh và kết nối các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng cao.

Cho rằng chính sách hỗ trợ cho phát triển HTX rất nhiều (Nghị quyết 13 nêu 6 loại chính sách) nhưng chưa đi vào cuộc sống, Phó Thủ tướng  chỉ ra nguyên nhân chính là do “cuộc sống không đi vào chính sách”, cho nên chính sách không thể đi vào cuộc sống; làm chính sách cho nông nghiệp mà không gắn sát với đời sống người dân, còn có tình trạng duy ý chí, áp đặt, không thực tiễn.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm mô hình trồng rau, củ của HTX Tân Tiến ở Lâm Đồng tháng 6/2017. Ảnh: VGP

Triển khai quyết liệt, nâng cao hiệu quả KTTT, HTX

Để khắc phục hạn chế của mô hình HTX kiểu cũ và phát huy lợi ích từ mô hình mới, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nâng cao nhận thức hơn nữa về vai trò quan trọng của KTTT, HTX nói chung và HTX nông nghiệp nói riêng; tổ chức triển khai quyết liệt, có hiệu quả các chủ trương, cơ chế, chính sách đã ban hành nhằm củng cố và nâng cao hiệu quả KTTT, HTX trong thời kỳ mới.

Đẩy mạnh truyền thông cho các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn xã hội hiểu rõ tầm quan trọng, vai trò tất yếu của KTTT mà nòng cốt là các HTX đối với sản xuất nông nghiệp, bản chất HTX kiểu mới; các mô hình HTX hiệu quả gắn với chuỗi tiêu thụ nông sản, HTX nông nghiệp do thanh niên khởi nghiệp thành công, HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tạo điều kiện để các HTX tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Cùng với đó, Phó Thủ tướng giao các bộ, ngành, địa phương tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng toàn diện cán bộ và thành viên HTX gắn với đề án đào tạo nghề cho khu vực nông thôn theo hướng tạo nguồn cán bộ quản lý chuyên nghiệp cho HTX.

Tiếp tục nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác hiệu quả, giúp cho kinh tế hộ phát triển; tạo điều kiện hình thành những mô hình liên kết hiệu quả giữa doanh nghiệp - HTX- nông dân. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những điển hình tiên tiến, cách làm sáng tạo; phổ biến, triển khai nhân rộng các mô hình HTX kiểu mới có hiệu quả và sức lan tỏa cao, đồng thời chuẩn bị tổng kết Đề án phát triển 15.000 HTX, Liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2020.

Phó Thủ tướng yêu cầu cần đẩy mạnh phát triển KTTT trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Phát triển các HTX sản xuất sản phẩm chất lượng cao, có thương hiệu, phục vụ xuất khẩu.

Để nhận diện rõ hơn về thực trạng và hiệu quả của KTTT, HTX, Phó Thủ tướng yêu cầu Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) và Liên minh HTX Việt Nam tiến hành xây dựng Sách Trắng về HTX trong thời gian tới.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đưa ra các yêu cầu cụ thể về ban hành các chính sách mới phù hợp với thực tế, khuyến khích hỗ trợ phát triển HTX và với các bộ ngành, địa phương  để tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX./.

Thành Chung - Đỗ Hương (Chinhphu.vn)

Các tin khác:
Các trang: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  18  19  20  21  22  23  24  25  26