QUY TRÌNH TRỢ VỐN QUỸ CCM
1. ĐỐI TƯỢNG TRỢ VỐN:
1.1. Nhóm thể nhân:
- Thành viên trong tổ hợp tác được thành lập trong các chợ, các thôn, xóm, ấp, phường, xã trên địa bàn TP. HCM.
- Xã viên, người lao động đang làm việc trong các Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã trên địa bàn TP. HCM.
1.2. Nhóm pháp nhân:
Các Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã trên địa bàn TP. HCM
2. ĐIỀU KIỆN ĐƯỢC TRỢ VỐN:
2.1. Đối với thể nhân:
- Là những tổ viên trong các Tổ hợp tác, Xã viên và người lao động trong Hợp tác xã có nhu cầu về vốn để sản xuất kinh doanh, mua bán, dịch vụ, … do cấp liên nhiệm giới thiệu và được sự chấp thuận của Quỹ trợ vốn xã viên Hợp tác xã.
- Cam kết sử dụng đúng mục đích số tiền được trợ vốn, chấp thuận các quy định của Quỹ CCM và hoàn trả vốn, phí, đóng tiết kiệm đúng hạn (nếu trợ vốn từ lần 2 trở lên).
-Thành viên phải đủ 18 tuổi trở lên. Không còn nợ vốn, phí tại Quỹ CCM và bất kỳ một tổ chức tín dụng nào khác. Không có thành viên nào khác trong cùng một gia đình đang còn nợ tiền trợ vốn của Quỹ CCM (cha, mẹ, anh chị em ruột chưa có gia đình riêng). Trong trường hợp thành viên có nhu cầu thêm vốn trong khi vẫn đang còn nợ thì Giám đốc Quỹ xem xét cụ thể từng trường hợp để quyết định.
2.2. Đối với pháp nhân:
- Các Tổ hợp tác, Hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã là thành viên của Liên minh HTX TP. HCM, các đơn vị kinh tế trực thuộc Liên minh hợp tác xã TP. HCM có năng lực sản xuất, đang làm ăn ổn định và hiệu quả, có phương án kinh doanh rõ ràng, khả thi và đang cần vốn để phát triển sản xuất kinh doanh.
- Chịu sự giám sát của Quỹ CCM về việc sử dụng vốn và cung cấp các chứng từ, thông tin về sử dụng vốn cho Quỹ CCM hoặc có tài sản thế chấp khi có yêu cầu.
3. HỒ SƠ TRỢ VỐN GỒM:
3.1. Đối với thể nhân:
Khi phát sinh nhu cầu trợ vốn, cấp liên nhiệm (Cán bộ tín dụng) tiến hành phổ biến những quy định về việc trợ vốn, hướng dẫn cách thức ghi sổ (ký giao nhận tiền) giữa tổ trưởng với thành viên và tổ trưởng với cấp liên nhiệm … theo mẫu biểu và quy định của Quỹ CCM; Thành viên liên hệ với cấp liên nhiệm (tổ trưởng) để làm đơn xin trợ vốn; Cấp liên nhiệm (tổ trưởng) có trách nhiệm hướng dẫn thành viên lập các thủ tục xin trợ vốn, hồ sơ đề nghị trợ vốn, bao gồm:
- Đơn đề nghị trợ vốn do Quỹ CCM cung cấp (01 bản)
- Bản sao hộ khẩu (hoặc tạm trú dài hạn), chứng minh dân của người xin trợ vốn và người có nghĩa vụ trả thay (người có nghĩa vụ trả thay gồm: cha, mẹ, vợ, chồng, anh, chị em ruột trong cùng hộ khẩu hoặc cùng sở hữu chung tài sản). Hộ khẩu và chứng minh nhân dân khi lập hồ sơ xin trợ vốn lần đầu phải được sao y bản chính, thời hạn sao y không quá 6 tháng.
- Cấp liên nhiệm hướng dẫn các thành viên mới xin trợ vốn lần đầu lập Hợp đồng hợp tác theo quy định, hợp đồng của tổ hợp tác có xác nhận của UBND phường, xã.
3.2. Đối với pháp nhân:
- Khi thành viên pháp nhân có nhu cầu trợ vốn, Cán bộ tín dụng thụ lý hồ sơ và hướng dẫn cụ thể, rõ ràng những qui định về việc trợ vốn của Quỹ CCM. Cán bộ tín dụng có trách nhiệm giải thích đầy đủ những thông tin theo những mẫu biểu quy định về hồ sơ xin trợ vốn, không nên để thành viên đi lại nhiều lần.
- Hồ sơ đề nghị trợ vốn phải do pháp nhân lập, Cán bộ tín dụng không được làm thay hoặc gợi ý dưới bất kỳ hình thức nào.
* Hồ sơ đề nghị trợ vốn gồm có:
+ Giấy đề nghị trợ vốn kiêm giấy nhận nợ (03 bản)
+ Phương án vay vốn và kế hoạch trả nợ; phương án sản xuất kinh doanh hoặc dự án đầu tư đính kèm các tài liệu liên quan để thuyết minh như: hợp đồng giao dịch dân sự, hoá đơn, thư tín dụng, bộ chứng từ xuất, nhập hàng … (mỗi loại 01 bản)
+ Báo cáo tài chính: Bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả kinh doanh, báo cáo thuế, kiểm toán, … (mỗi loại 01 bản)
* Hồ sơ pháp lý:
+ Bản sao quyết định thành lập và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có chứng thực. Trong các lần trợ vốn sau, nếu những thông tin về giấy phép thành lập và đăng ký kinh doanh không thay đổi thì không phải nộp vì trong hồ sơ cũ Quỹ CCM đã có. (mỗi loại 01 bản)
+ Biên bản họp của Hội đồng quản trị (ban quản trị), hoặc ban chủ nhiệm về việc đề nghị trợ vốn, trong đó ghi rõ người được cử đại diện pháp nhân để giao dịch trợ vốn.. (01 bản)
+ Danh sách thành viên góp vốn điều lệ (01 bản)
+ Trường hợp thế chấp (hoặc bảo lãnh) bằng tài sản để đảm bảo số tiền trợ vốn, thành viên phải cung cấp các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp và giá trị các tài sản đảm bảo số tiền được trợ vốn.
4. CÁC LOẠI HÌNH TRỢ VỐN:
4.1 Số tiền, loại hình cho vay, thời hạn và cách thức hoàn trả:
Số tiền cho vay: Tùy thuộc vào kết quả khảo sát thực tế đối với thành viên, mục đích sử dụng vốn và khả năng hoàn trả của thành viên mà áp dụng mức cho vay phù hợp nhưng không vượt quá 100.000.000 đồng/ thành viên.
Loại hình cho vay, thời hạn và cách thức hoàn trả:
- Loại hình góp ngày:
Thời hạn: không quá 180 ngày.
Trả vốn, lãi hàng ngày và lãi suất tính theo phương pháp góp.
- Loại hình góp tuần:
Thời hạn: không quá 52 tuần.
Trả vốn, lãi, đóng tiết kiệm hàng tuần và lãi suất tính theo phương pháp góp.
- Loại hình góp tháng:
Thời hạn: không quá 24 tháng.
Trả vốn, lãi, đóng tiết kiệm hàng tháng và lãi suất tính theo phương pháp góp.
4.2 Lãi suất cho vay và tiết kiệm:
- Lãi suất cho vay và mức đóng tiết kiệm tùy thuộc vào từng thời điểm cụ thể do Giám đốc Quỹ CCM quy định.
- Số tiền tiết kiệm tích lũy được thuộc sở hữu của thành viên, khi thành viên có nhu cầu rút tiết kiệm, Cấp liên nhiệm có trách nhiệm đề nghị Quỹ CCM hoàn trả nhưng phải theo quy định hoàn trả tiết kiệm của Quỹ CCM.
Đối với Pháp nhân:
Tùy thuộc vào qui mô, tính khả thi của phương án sản xuất kinh doanh, chu kỳ sản xuất kinh doanh mà xác định mức trợ vốn, thời hạn trợ vốn và có tài sản đảm bảo hay không.
TẢI ĐƠN ĐỀ NGHỊ TRỢ VỐN