Tại Hội thảo tham vấn Đề án thí điểm thành lập Liên đoàn HTX lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức ngày 18/12, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân khẳng định, thành lập thí điểm Liên đoàn HTX lúa gạo vùng ĐBSCL là điều cần thiết, đã Đảng và Nhà nước định hướng trong các văn bản pháp luật như Quyết định số 340/QĐ-TTg, Quyết định số 1490/QĐ-TTg, Nghị quyết số 20-NQ/TW… Tuy nhiên, Liên đoàn HTX là mô hình mới ở Việt Nam, việc xác định đây là mô hình hội hay một tổ chức kinh tế vẫn cần tham góp nhiều ý kiến từ các chuyên gia.
Cần khuôn khổ pháp lý
“Với cách tiếp cận đây là một tổ chức kinh tế, khi ra đời, Liên đoàn HTX cần có cơ sở thực tế, lý luận phù hợp với đặc trưng của Việt Nam để có thể hoạt động hiệu quả, thúc đẩy Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” và sâu xa hơn là giúp mang lại lợi ích cho người dân sản xuất lúa gạo”, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết.
Thực tế cho thấy, sản xuất lúa gạo không những đóng góp vào đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà còn hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Ước tính sản lượng lúa trung bình một năm của Việt Nam đạt 43-45 triệu tấn, tương đương khoảng 26-28 triệu tấn gạo, trong đó khoảng 20 triệu tấn được dành cho tiêu thụ trong nước.
Diện tích lúa gạo vùng ĐBSCL đang chiếm đến 52% tổng diện tích lúa gạo của cả nước. Sản lượng lúa ở ĐBSCL luôn ổn định ở mức 24-25 triệu tấn/năm, chiếm trên 50% sản lượng lúa và 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước.
Tuy nhiên, tại vùng ĐBSCL hiện nay, số doanh nghiệp, công ty, tập đoàn có đủ năng lực để trực tiếp mua lúa của nông dân hoặc HTX để sản xuất ra gạo không nhiều. Trong khi các tổ hợp tác (THT), HTX, Liên hiệp HTX lúa gạo thiếu vốn đầu tư, thiếu nhân lực trình độ cao nên gặp khó khăn trong liên kết chuỗi giá trị mang tính chất vùng, liên vùng.
Theo ông Võ Văn Vang, Giám đốc vùng nguyên liệu An Giang của Tập đoàn Lộc Trời, cây lúa hiện vẫn sản xuất theo quy mô nhỏ nên rất cần thành lập Liên đoàn HTX lúa gạo để giúp ngành hàng này vươn tầm thế giới.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho rằng Liên đoàn HTX lúa gạo sẽ góp phần giải quyết được những khó khăn, thách thức của ngành hàng này.
Trước thực tế này, các chuyên gia cho rằng việc thành lập Liên đoàn HTX lúa gạo vùng ĐBSCL là cần thiết nhằm giúp giải quyết các thách thức trong sản xuất lúa gạo, tăng tính kết nối trong sản xuất lúa gạo, giúp phát triển thương hiệu, tăng thu mua cho người dân.
Ông Alu Iyer, Tổng giám đốc Liên minh HTX Quốc tế Châu Á-Thái Bình Dương (ICA-AP) thông tin, ngoài các nhóm thành viên của ICA-AP là HTX, thì còn có các liên đoàn HTX ở các cấp độ khác nhau như cấp quốc gia, cấp tỉnh, thành phố. Cụ thể là gần 50% thành viên ICA-AP là các Liên đoàn HTX. Tại các nước như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc… phát triển mạnh mảng lúa gạo cũng đều có Liên đoàn HTX.
Cụ thể như ở Nhật Bản, Liên đoàn HTX nông nghiệp là tập hợp các HTX nông nghiệp. Liên đoàn HTX này ngoài tập trung phát triển nông nghiệp, marketing, phát triển thị trường, tín dụng, vật tư, chế biến, bảo hiểm, vận tải… còn kết nối với các doanh nghiệp, tổ chức, trung tâm từ đầu vào, doanh nghiệp, môi trường. 95% HTX nông nghiệp ở Nhật Bàn hiện là thành viên của Liên đoàn, trong đó có HTX lúa gạo.
Chuyên gia cao cấp tài chính của Liên đoàn HTX nông nghiệp và lúa gạo Nhật Bản, ông Yasuyuky Kobayashi, cho biết hiện Liên đoàn này đang thu hút 537 HTX nông nghiệp, trải dài từ Bắc đến Nam. Trong đó có nhiều tỉnh chịu tác động mạnh từ biến đổi khí hậu, nhất là băng tuyết khiến cây lúa chỉ trồng được một mùa duy nhất trong năm. Nhưng với vai trò của mình, Liên đoàn HTX đang giúp các HTX sản xuất lúa gạo thích ứng với biến đổi khí hậu. Và hầu hết các HTX ở mỗi tỉnh hiện đều phát triển một thương gạo riêng.
Để hỗ trợ các HTX lúa gạo phát triển, Liên đoàn HTX này đã hỗ trợ chuyên nghiệp cho các HTX thành viên. Trong Liên đoàn HTX nông nghiệp lại có các Liên đoàn HTX nhỏ như tín dụng, tư vấn, bảo hiểm,… để hỗ trợ các HTX ở mọi khía cạnh, từ đó tạo thành một hệ sinh thái lúa gạo lớn mạnh, giúp các thành viên chủ động.
Có thể thấy, việc thành lập Liên đoàn HTX lúa gạo đã phát huy hiệu quả ở nhiều nước. Nhưng để mô hình này được thành lập và hoạt động hiệu quả ở Việt Nam, các chuyên gia cho rằng cần có khung khổ pháp lý rõ ràng cho Liên đoàn HTX. Bởi theo đại diện Cục Phát triển Kinh tế hợp tác (Bộ NN&PTNT) hiện THT, HTX, liên hiệp HTX đều được quy định rất rõ trong Luật HTX 2023 nhưng mô hình Liên đoàn HTX đang được bỏ ngỏ trong Luật HTX 2023. Do đó, cần có sự kết hợp với bên pháp lý để có hướng đi cụ thể, lâu dài trong xây dựng địa vị pháp lý cho Liên đoàn HTX lúa gạo.
Ông Yasuyuky Kobayashi cũng nhìn nhận khuôn khổ pháp lý là rất quan trọng để có thể thành lập Liên đoàn HTX lúa gạo và thực tế tại Nhật Bản cũng vậy. Dù Liên đoàn HTX có nhiều hoạt động, thậm chí trong HTX cấp quốc gia lại có các liên đoàn HTX nhỏ ở cấp tỉnh. Nhưng để hoạt động được, các liên đoàn HTX hoạt động thông qua Đại hội đồng, điều hành bởi Hội đồng quản trị, tất cả đều được quy định trong Luật HTX.
Ts Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho biết các Nghị quyết về phát triển kinh tế tập thể, HTX của Trung ương đều ra đời trước khi Luật HTX 2023 ra đời. Hiện, ngoài tác động về kinh tế, xã hội, cần làm rõ về pháp lý của mô hình này. Vì các nước quy định rất rõ về Liên đoàn HTX trong Luật HTX, trong khi Luật HTX hiện nay mới có các quy định về THT, HTX, liên hiệp HTX, nhưng chưa có quy định về Liên đoàn HTX.
Hướng tới lợi ích người dân, thành viên
Trong điều kiện thực tế ở Việt Nam hiện nay, các chuyên gia đánh giá, điều quan trọng để thành lập được Liên đoàn HTX lúa gạo ngoài cơ sở pháp lý thì một trong những vấn đề quan trọng không kém đó là nguồn nhân lực, đặc biệt là có người lãnh đạo tài, giỏi, tâm huyết. Ông Alu Iyer cho rằng những người lãnh đạo này đóng vai trò quan trọng trong thực hiện các nguyên tắc của Liên đoàn HTX trên cơ sở đã thống nhất với các thành viên và cơ quan quản lý.
Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ về pháp lý, tài chính, giúp Liên đoàn tiếp cận thị trường, phát triển thị trường ở trong và ngoài nước, hỗ trợ về hạ tầng giao thông, các kho bãi, trung tâm chế biến, xử lý.
Việc thành lập Liên đoàn HTX lúa gạo vùng ĐBSCL nhận được nhiều góp ý từ các chuyên gia.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho rằng hiện vẫn có nhiều nghi ngại rằng hiện đã có Liên hiệp HTX rồi thì Liên đoàn HTX ra đời sẽ đóng vai trò như thế nào. Theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, hiện nay, một trong những nhà phân phối lớn là Saigon Co.op. Liên hiệp này đang phát triển mạnh ở cả trong và ngoài nước nhưng vẫn gặp những khó khăn nhất định trong mở rộng và phát triển thành viên bởi các thành viên phải thực hiện chia lợi ích.
Tuy nhiên, khi thành lập Liên đoàn HTX lúa gạo sẽ có nhiều lợi ích, trong đó có giải quyết vấn đề mở rộng thành viên, liên kết. Nhưng khó khăn hiện nay của mô hình này chính là điều như Chủ tịch ICA nói, đó chính là chọn người có tầm, có tâm để đưa Liên đoàn phát triển vì lợi ích chung của mọi người. Để người dân thấy không vào Liên đoàn HTX thì không thể bảo đảm lợi ích của chính mình.
“Liên hiệp HTX giờ là chiếc áo quá chật nên đề án thành lập Liên đoàn HTX nhằm giải quyết khó khăn của người dân, HTX sản xuất lúa gạo và hướng đến mục đích cuối cùng là phục vụ lợi ích của người dân, HTX lúa gạo”, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân phân tích.
Là một đất nước phát triển mô hình Liên đoàn HTX, Hà Lan đang cho thấy những hiệu quả và kinh nghiệm để Việt Nam học hỏi kinh nghiệm phát triển mô hình này trong thực tiễn. Bà Lê Thị Thu Hiền, đại diện Agriterra tại Việt Nam, cho rằng muốn phát triển Liên đoàn HTX một cách hiệu quả, Hà Lan đặc biệt quan tâm thúc đẩy mô hình này theo chiều từ dưới lên, tức là quan tâm đến lợi ích của người dân, thành viên để có được sự tham gia của người dân, thành viên HTX.
Muốn vậy, điều lệ, nguyên tắc hoạt động của Liên đoàn HTX cần có sự thảo luận, tham gia của các thành viên. Mục tiêu của Liên đoàn cũng đại diện và vì quyền lợi của người dân trồng lúa.
“Dục tốc bất đạt”, do đó bà Hiền lưu ý cần dành thời gian để thành viên, nông dân tiếp thu thông tin. Việc thảo luận, xử lý thông tin ở cấp cơ sở trước khi Liên đoàn HTX ra quyết định sẽ tạo được sự hiệu quả cao hơn trong quá trình hoạt động.
Theo vnbusiness